Thương mại điện tử, hay nói đơn giản là bán hàng online, là một khái niệm rộng. Nó không chỉ là việc bạn làm ra các platform như Shopee, Tiktok Shop để người khác đem lên bán, mà kể cả khi bạn lấy sản phẩm của mình đem lên các sàn, đem lên các mạng xã hội hoặc website để kinh doanh thì cũng có thể xem làm thương mại điện tử. Và nhìn thế thôi, trong thế giới này có nhiều data lắm. Và khi bạn làm thương mại điện tử mà nắm được data của chính mình, bạn có nhiều công cụ hơn để tối ưu hóa vận hành, nắm được tình hình kinh doanh sát sao và có bức tranh toàn cảnh về gần như mọi thứ đang diễn ra.

Hãy nắm giữ data của chính bạn
Ngày xưa khi mà sàn mới ra, thì các dữ liệu còn ít và đặc biệt là phần chia sẻ dữ liệu với nhà bán còn hạn chế. Chủ yếu việc cung cấp dữ liệu được thực hiện thông qua việc tải file thủ công. Tuy nhiên ở thời điểm này các sàn lớn như Shopee, Lazada, TikTok Shop đều đã mở các API để lấy data một cách chi tiết, và quan trọng là lấy tự động. Thế nên chuyện bạn có thể nắm và sở hữu data của mình là rất dễ dàng.
Đặc biệt là trong thời điểm các sàn đang điều chỉnh nhiều mức phí sẽ tính cho nhà bán hàng, việc bạn nắm dữ liệu của mình trong tay sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc quản lý phần vận hành, kinh doanh và đặc biệt là kiểm soát tốt các chi phí phát sinh. Số đơn hàng càng lớn, chi phí phát sinh càng lớn và bạn càng cần phải kiểm soát các chi phí này kịp thời.
Ngoài chi phí sàn, doanh thu từ sàn, thì bạn còn đang tiêu tiền cho những thứ gì nữa? Bạn còn đang đánh giá hiệu quả trên các dịch vụ nào? Có phải là bạn cũng cần đến chi phí và hiệu quả từ các nền tảng quảng cáo như Facebook Ads, Google Ads, TikTok Ads đúng không? Hoặc có thể nó là chi phí lặt vặt nào đó mà bạn đang lưu trữ trong Lark? Cái quan trọng là bạn cần có tư duy về chuyện tổng hợp dữ liệu về một chỗ đi đã, từ đó bạn sẽ tiếp tục phân tích, kết nối dữ liệu thành một bức tranh tổng thể tốt hơn.
Tổng hợp dữ liệu: khâu quan trọng
Và đích đến của chúng chính là một hệ thống mà mình hay gọi là “data platform”, hoặc cụ thể hơn là data sẽ được lưu trữ trong data warehouse, để bạn có thể tùy nghi “móc” ra sử dụng theo ý bạn thích, để bạn có thể xem được dữ liệu theo nhiều chiều khác nhau chứ không chỉ là xem bằng vài báo cáo cố định trên các sàn, các hệ thống quảng cáo nữa.
Giá trị của hệ thống này là giúp bạn định lượng được về nhiều yếu tố nhất có thể, từ đó dẫn đến việc tăng hiệu quả khi ra quyết định (tăng hiệu suất tối ưu về tiền, thời gian, nguồn lực...). Data là một vũ khí quan trọng trong việc kinh doanh thương mại điện tử, hi vọng các bạn hiểu và ứng dụng được điều này.
Này không phải là do mình làm Elton nên mình nhấn mạnh phần này, nhưng mà thật sự thì nó quan trọng, và nó là bước đi tiếp theo sau khi bạn đã làm tạm ổn về phần vận hành. Vì sau đoạn “sống” được, thì phải tới đoạn “tối ưu”, đúng không nào? Né đi đâu được, chuyện này không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp làm ecommerce mà với mọi công ty nói chung.
Dữ liệu ai cũng có, nhưng cách bạn sử dụng data sẽ giúp bạn khác biệt
Vì data được trả về từ các sàn, các dịch vụ online gần như là giống nhau với mọi công ty, thực ra là tới format của data cũng giống luôn. Thế nên là ai cũng có quyền “bình đẳng” như nhau một khi bạn đã lấy được dữ liệu về tay mình rồi.
Tuy nhiên, cũng như mọi thứ khác trong kinh doanh, việc bạn làm gì với dữ liệu, làm sao bạn chuyển hóa những dữ liệu, những thông tin từ các dashboard, báo cáo thành những hành động cụ thể sẽ giúp bạn khác biệt. Đây cũng là yếu tố quyết định xem liệu bạn có thành công trong việc giúp cho công ty của mình vận hành với sự hỗ trợ của data hay không. Hẹn các bạn một trong bài kế tiếp, mình sẽ chia sẻ một xíu kinh nghiệm của mình trong việc chuyển hóa data thành các hành động cụ thể, và một số cách suy nghĩ khi nhìn số liệu để biết xem chuyện gì đang xảy ra, mình đang cần làm gì.
Việc này cần thời gian, nhất là với những anh chị nào trước giờ chưa quen coi, theo dõi số liệu mỗi ngày. Nhưng không sao, phải có những bước đi ban đầu thì mới có những kết quả phía sau đúng không nào? Cứ tập dần dần, chuyện coi report / dashboard của chính mình là chuyện phải làm thôi.